Tour du lịch 0 đồng: Đừng để chỉ là “tấm áo đẹp”
VH- Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, lượng khách quốc tế đến nơi đây trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 1,6 triệu lượt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, công ty lữ hành cho rằng, con số trên chỉ là “tấm áo đẹp” bởi thực tế Đà Nẵng vẫn đang gánh chịu nhiều hệ lụy từ tour “du lịch 0 đồng”.
Khách du lịch Trung Quốc mua hàng tại Bảo tàng Đà Nẵng
Tránh thất thoát từ thị trường tour giá rẻ
Tour giá rẻ là hoạt động du lịch không hiếm ở bất kỳ thị trường du lịch nào. Tại Đà Nẵng, lượng khách đến với thành phố ngày càng đông một phần là nhờ vào các tour giá rẻ (chủ yếu xuất hiện ở thị trường Trung Quốc và một phần thị trường Hàn Quốc). Lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng trong 6 tháng qua đạt 800.000 lượt, khách Trung Quốc đạt 368.000 lượt…
Tuy nhiên trên thực tế, tour giá rẻ từ thị trường nước ngoài đã phát sinh nhiều hạn chế, nếu không xử lý dứt điểm sẽ khiến môi trường du lịch Đà Nẵng từ trạng thái “nóng” sang “lắng”. Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện CLB Lữ hành khai thác thị trường Hoa ngữ Đà Nẵng cho biết: Hiện có khoảng trên 40 doanh nghiệp lữ hành khai thác thị trường Trung Quốc trên địa bàn Đà Nẵng, một thực tế rõ ràng là không ít doanh nghiệp có chủ người Trung Quốc đứng đằng sau thuê người Việt Nam đại diện, lượng khách đến từ các doanh nghiệp này kể cả đường hàng không, đường biển là rất lớn nhưng kê khai với cơ quan nhà nước thường “co lại” rất nhiều, có nghĩa là không kê báo doanh thu thực tế, không có khoản tiền nào trả về cho doanh nghiệp qua tài khoản của công ty họ, dẫn tới thành phố không thu được đồng tiền thuế nào.
Theo chị Ngọc Anh (Giám đốc Cty Du lịch Biển Ngọc): “Tình trạng hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động “chui” đều là lực lượng của doanh nghiệp nước ngoài đưa sang để lấy lại vốn từ những tour giá rẻ 0 đồng. Doanh nghiệp của tôi không lớn, nhưng với mức kê khai trung thực thì rõ ràng chúng tôi đã đóng góp cho thành phố hơn những doanh nghiệp hoạt động chui của nước ngoài”.
Kiểm soát để phát triển thị trường du lịch chất lượng
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Ngô Quang Vinh cho rằng, tour 0 đồng là hiện tượng của cơ chế thị trường, thực trạng này không chỉ riêng Đà Nẵng mà có ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa… đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Riêng giải pháp khắc phục, hạn chế hệ lụy tour 0 đồng, ông Vinh thừa nhận ngành thuế và Sở Du lịch đang triển khai nhưng “vẫn chưa theo kịp và chưa đáp ứng tốt được thực tiễn hiện nay”. Ông Vinh cũng cho biết, các doanh nghiệp này nhiều mưu mẹo, luôn tìm cách đối phó. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì lập tức doanh nghiệp đó thành lập 5,6 đơn vị lữ hành khác để tránh sự kiểm soát, thậm chí thành lập ở các địa phương khác rồi đến thành phố hoạt động; báo cáo lượng khách không trung thực; trốn thuế… mặc dù Sở Du lịch và các cơ quan chức năng đã rất tích cực thanh tra, kiểm soát song vẫn chưa xử lý được hết.
Theo ông Hoàng Văn Thành (quản lý Công ty du lịch Thành Duyên): "Nếu muốn kiểm soát được tình trạng này, cơ quan chức năng cần nghiêm khắc thống nhất với nhau trong công tác thanh kiểm tra thì sẽ biết trong 40 doanh nghiệp khai thác thị trường Trung Quốc đâu là doanh nghiệp của người bản địa, đâu là doanh nghiệp của người nước ngoài. Cùng với tour 0 đồng, du khách Trung Quốc thường xuyên đề nghị dùng các công cụ thanh toán như Alipay… cũng đang làm cho chúng ta thất thoát lượng tiền tương đối lớn, cần thiết có một biện pháp quản lý hiệu quả hơn với vấn đề này”.
UBND TP Đà Nẵng vừa ký quyết định số 2315 về ban hành Đề án chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn. Với quyết định này, Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có một đề án cấp tỉnh/thành về chống thất thu thuế. Ông Kiều Thế Phong, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng cho biết: “Hoạt động du lịch ở Đà Nẵng được Nhà nước đầu tư, có khởi sắc nhưng kết quả khai nộp thuế chưa tương xứng. Riêng với tour giá rẻ, khi đưa khách vào Việt Nam có hai vấn đề đặt ra, một là bán giá hàng hóa, dịch vụ cao làm ảnh hưởng thương hiệu Việt Nam, hai là giấu doanh thu, trốn thuế. Cục Thuế Đà Nẵng đang liên hệ các đầu mối, đặc biệt là ngân hàng và các đơn vị dịch vụ nhờ hỗ trợ xác minh, cung cấp thông tin về mối quan hệ với các đơn vị lữ hành. Trên cơ sở đó sẽ xác định được nếu có đầu vào mà không có đầu ra thì là hành vi trốn doanh thu, trốn thuế”. Trường hợp du khách mua hàng, thanh toán bằng các loại máy POS, thẻ, ví điện tử… chuyển thẳng tiền ra nước ngoài, ông Phong cho biết “cần sự hợp lực của tất cả các ngành, một mình ngành thuế không giải quyết được”.
Đã đến lúc ngành du lịch Đà Nẵng cần nhìn lại và điều chỉnh mình sau một thời gian phát triển, qua đó hướng đến thị trường bền vững và chất lượng chứ không phụ thuộc vào cách làm du lịch truyền thống, các thị trường tour giá rẻ, đông khách như tour du lịch 0 đồng.
MINH CHÂU